An toàn PCCC trong quá trình sử dụng khí đốt hóa lỏng

12:26 - 01/11/2017

An toàn PCCC trong quá trình sử dụng khí đốt hóa lỏng

Khí đốt hóa lỏng (LPG) hay còn gọi là Gas là một trong những nguồn nhiên liệu quan trọng trong sản xuất công nghiệp và sinh hoạt phục vụ đời sống con người và là dạng nhiên liệu sạch, ít gây ô nhiễm môi trường, tiện lợi trong bảo quản và sử dụng. Hiện nay, ở nước ta nhu cầu tiêu thụ gas ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, gas lại là chất rất nguy hiểm về cháy, nổ. Trong những năm qua, trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều vụ cháy, nổ gây thiệt hại lớn cả về người lẫn tài sản có nguyên nhân xuất phát từ gas. 

 

Để góp phần làm giảm số vụ cũng như thiệt hại do cháy, nổ gây ra khi sử dụng gas, trước tiên, chúng ta cần biết rõ đặc điểm nguy hiểm về cháy, nổ của gas:

Khí đốt hoá lỏng (LPG) là thuật ngữ để gọi các loại Hyđrocacbon. Trong điều kiện bình thường, chúng ở thể khí, nhưng khi nén với áp suất cao, chúng lại chuyển từ thể khí sang thể lỏng. Thành phần chủ yếu của gas là Butan (có công thức hóa học là: C4H10) và Prôpan (công thức hóa học là: C3H8).

Gas có những tính chất nguy hiểm về cháy, nổ sau:

Ở thể khí, tỷ trọng của gas lớn hơn không khí

Nhiệt độ tự bốc cháy thấp.

Năng lượng của nguồn nhiệt gây cháy, nổ đối với gas không lớn, tuy nhiên, vận tốc cháy lan lại rất cao

Nhiệt độ ngọn lửa cháy gas là khoảng 19250C, sinh ra nhiệt lượng lớn.

Gas có hệ số nở thể tích lớn.

Từ những dữ liệu trên cho thấy, gas là chất rất nguy hiểm về cháy, nổ. Khi cháy sẽ sinh ra nhiệt độ lớn, bức xạ nhiệt cao, nhanh chóng nung nóng không khí xung quanh. Dưới tác động nhiệt, áp suất của các thiết bị chứa gas sẽ tăng lên, dễ dẫn đến nổ và bùng phát thành vụ hỏa hoạn nghiêm trọng.

Do đó, chúng ta cần nắm vững một số biện pháp đảm bảo an toàn  PCCC trong quá trình bảo quản và sử dụng khí đốt hóa lỏng (LPG), đặc biệt là đối với việc đun nấu, như sau:

Bình chứa gas phải đặt đứng, vững chắc và thuận tiện khi thao tác.

Để bình chứa gas cách xa ngọn lửa trần và ổ cắm điện từ 1-2m hoặc đặt bình chứa trong hộp bếp có thiết kế riêng.

Bếp gas đặt trên mặt bằng chắc chắn, nơi khô ráo, bếp bố trí cách bình tối thiểu là 1m. Nếu khoảng cách nhỏ hơn 1m thì phải có tường, vách ngăn ở giữa, nếu đặt bình gas ở ngoài trời thì phải có mái che.

Khi ngửi thấy mùi gas phải kiểm tra lại van bình, ống dẫn khí để kịp thời phát hiện và xử lý.

Không được bật các loại công tắc điện, cầu dao để tránh phát sinh tia lửa gây cháy, nổ. Mở các cửa để thoát khí, không bật quạt điện mà dùng quạt tay để quạt thông gió.

Những gia đình có trẻ em, bình chứa gas cần đặt trong hộp bếp thiết kế riêng, nhắc nhở chúng không được nghịch bếp gas. Nên dùng loại bình có van điều áp.

Khi không may xảy ra sự cố cần bình tĩnh, thông báo cho mọi người thoát ra nơi an toàn. Đồng thời, nếu có thể, hãy dùng chăn (mền), cát, bình bột hoặc bình CO2 để dập tắt ngọn lửa. Trong trường hợp cháy lớn phải gọi điện ngay cho lực lượng Phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp theo số điện thoại 114 và nhanh chóng rời khỏi nơi nguy hiểm.

Bên cạnh đó, chúng ta cần trang bị những kỹ năng xử lý sự cố rò rỉ gas, theo đó:

Khi phát hiện gas từ bình thoát ra ngoài, trước tiên phải tiến hành khóa van bình, mở các cửa thông gió, đồng thời, tắt các nguồn nhiệt xung quanh đó.

Không được dùng tay trần để kiểm tra hiện tượng xì gas, mà nên dùng dẻ nhúng nước xà phòng để kiểm tra xung quanh vỏ bình và ống dẫn gas.

Nếu phát hiện trong kho, nhà bếp có mùi gas nồng nặc, thì khi vào xử lý phải có các biện pháp an toàn như đeo khẩu trang hoặc dùng khăn ướt che mặt.

Tuyệt đối không được sử dụng các bình gas bị rò rỉ, nên nhớ rằng biện pháp dùng bánh xà phòng và dây cao su cuốn chặt nơi xì gas chỉ khắc phục tạm thời nhằm hạn chế một phần hơi gas từ bình thoát ra ngoài chứ không thể đảm bảo các bình gas bị rò rỉ đã được khắc phục hoàn toàn, càng không thể làm cơ sở để tiếp tục đưa các bình gas ấy vào sử dụng lâu dài.

Tất cả các bình gas bị xì phải đặt ở những nơi riêng biệt, không có người qua lại, không có các nguồn nhiệt, phải là nơi thoáng gió được cắm biển báo và cử người trông coi.

Ngoài ra, khi gặp phải các tai nạn do gas gây ra, chúng ta cần tiến hành những thao tác xử lý ban đầu, cụ thể:

* Trường hợp nạn nhân bị mờ mắt:

Nhanh chóng đưa người bị nạn ra nơi an toàn, phải giữ mắt ở trạng thái mở, sau đó, dùng nước sạch để rửa mắt liên tục trong vòng 15 phút, rồi đưa nạn nhân đi cấp cứu.

* Trường hợp nạn nhân bị ngạt thở:

Cần đưa người bị nạn ra nơi an toàn, nếu người bị nạn không còn thở được thì phải tiến hành hô hấp nhân tạo, song song với việc đó phải sưởi ấm cho nạn nhân và đưa đi cấp cứu kịp thời.

Tóm lại, Khí hóa lỏng là chất đặc biệt nguy hiểm về cháy, nổ, khi nó thoát khỏi thiết bị chứa chỉ cần gặp phải một nguồn nhiệt nhỏ là có thể phát hỏa ngay. Vì thế, ở những nơi sang chiết, bảo quản và sử dụng các thiết bị chứa khí hóa lỏng phải có chế độ, nội qui "cấm lửa" "cấm hút thuốc" nghiêm ngặt.

Hiện nay, tình hình cháy, nổ xảy ra đối với khí hóa lỏng có xu hướng gia tăng, chủ yếu là xảy ra ở bình gas và bếp gas. Nguyên nhân chính là do thiết bị không đảm bảo và vi phạm nội qui an toàn làm rò rỉ gas ra ngoài. Điều này rất cần được quan tâm khi sử dụng những thiết bị chứa khí hóa lỏng, đặc biệt là tại các nhà máy, xí nghiệp.v.v.

Khi xảy ra cháy ở các thiết bị chứa khí hoá lỏng có thể dùng nước, khí CO2 và bình bột để chữa. Đối với những đám cháy nhỏ có thể sử dụng chăn (mền) hoặc bao tải ướt trùm lên ngọn lửa. Chú ý: phải làm mát các thiết bị xung quanh để giảm thiểu sự nguy hiểm có thể dẫn đến nổ, vì áp lực trong các thiết bị chứa tăng do hệ số nở của khí hóa lỏng là rất cao.

Bài viết liên quan

Nắng nóng gia tăng, nguy cơ cháy rừng cao trong đợt cao điểm
Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH kịp thời dập tắt đám cháy tại KonTum
Hình ảnh hoang tàn sau đám cháy tại công ty bao bì ở Bình Dương
Thiết kế và thẩm duyệt hạng mục PCCC công trình xã hội Bảo Vinh
Tư vấn thiết kế - Thẩm duyệt PCCC Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Ngọc Hà