Cuối năm, gia tăng nỗi lo “giặc lửa”

10:24 - 15/12/2016

Tòa nhà Trung Yên I (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) tuy còn không ít tồn tại về công tác PCCC, nhưng vẫn được đánh giá là có hệ thống PCCC được lắp đặt khá bài bản. Trong buổi kiểm tra cùng cán bộ Phòng Cảnh sát PC&CC số 3, ông Trần Văn Bé, Trưởng ban quản trị tòa nhà Trung Yên I luôn tay ghi chép, chụp ảnh lưu lại những lỗi cần khắc phục về công tác PCCC. Tâm đắc với cuộc kiểm tra, ông cho hay: “Chứng kiến việc kiểm tra chi tiết hệ thống PCCC chúng tôi đã “vỡ” ra nhiều điều. Có những điều tưởng rất đơn giản như đèn báo sự cố hỏng, thiếu biển chỉ dẫn… nếu không được thay thế ngay sẽ có thể gây hậu quả khôn lường khi có cháy. Sau kiểm tra, chúng tôi sẽ họp cư dân để tìm cách khắc phục”. Với các tòa chung cư có quỹ bảo trì như Trung Yên I thì việc khắc phục sẽ thuận lợi, nhưng với những nơi không có quỹ bảo trì thì việc khắc phục không biết trông vào nguồn nào. Trong khi đó với khoản tiền dịch vụ hằng tháng cư dân chi trả cho ban quản lý tòa nhà, nhiều nơi không tính đến khoản phí dành cho công tác duy tu, bảo trì, bảo dưỡng, thay thế những thiết bị PCCC bị hỏng… Đây cũng là lý do khiến người dân không quan tâm đến công tác phòng ngừa cháy, coi đó không phải việc của mình!
 

 

Điểm trông giữ xe máy chiếm hết lối đi tại chung cư Trung Yên 1, quận Cầu Giấy.

Là địa bàn liên tục được “bà hỏa" ghé thăm trong năm 2016, việc kiểm tra PCCC với loại hình karaoke trên địa bàn quận Cầu Giấy đã hoàn thiện, nhưng số liệu này không được Phòng Cảnh sát PC&CC số 3 cung cấp cho phóng viên. Được biết, toàn quận Cầu Giấy có 22 cơ sở kinh doanh karaoke phải tạm đình chỉ, trong thời hạn một tháng kể từ ngày kiểm tra mà cơ sở không khắc phục xong lỗi về PCCC thì cơ quan chức năng sẽ đình chỉ hoạt động. Thiếu tá Bùi Tuấn Khanh, Đội phó Đội Hướng dẫn kiểm tra an toàn về chữa cháy, Phòng Cảnh sát PC&CC số 3 cho hay: Các nguyên nhân dẫn đến cháy quán karaoke đã được chỉ rõ như: mặt tiền bị che kín bằng biển quảng cáo; chất liệu cách âm, cách nhiệt dễ cháy; chuyển đổi công năng từ nhà ở sang kinh doanh karaoke nên hệ thống điện khó bảo đảm an toàn… Theo quy định hiện nay, các cơ sở karaoke thuộc loại công trình tập trung đông người bắt buộc phải bố trí đủ 2 lối thoát nạn an toàn (buồng thang bộ kín hoặc cầu thang bộ bên ngoài nhà để hở). Nhưng với thực tiễn ở các quận nội thành thì quy định này khó thực hiện vì hầu hết các quán karaoke đều là nhà ống, không còn diện tích đất để mở thêm cầu thang ngoài trời. Mặt khác, nhiều chủ cơ sở karaoke cũng kêu khó vì chất liệu cách âm, cách nhiệt phải là loại vật liệu khó cháy, nhưng vật liệu này không dễ tìm ở Việt Nam. Đối với cơ sở karaoke có diện tích sử dụng từ 200m2 trở lên phải được trang bị hệ thống báo cháy tự động; đối với cơ sở karaoke cao từ 3 tầng trở lên hoặc cơ sở karaoke có 1- 2 tầng, diện tích từ 3.500m2 phải được trang bị hệ thống chữa cháy tự động… Khi lắp đặt hệ thống này, chi phí lên đến cả tỷ đồng nên nhiều chủ quán karaoke... thà chấp nhận bị phạt vi phạm hành chính chứ không đầu tư hệ thống PCCC bài bản. Do đó, nếu cơ quan chức năng không quyết liệt, nghiêm túc thì chắc chắn vi phạm khó hết!

Nội thành đã khó, ngoại thành cũng không ít băn khoăn. Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Trưởng phòng Cảnh sát PC&CC số 12 cho hay: Nhiều làng nghề không có điểm sản xuất tập trung, người dân sản xuất ngay tại nơi ở nên công tác phòng cháy không bảo đảm đúng quy định. Bên cạnh đó, theo Thông tư 66/2014/TT-BCA ngày 16-12-2014 của Bộ Công an thì làng nghề chuyên sản xuất chế biến hàng hóa dễ cháy và cháy được với tổng số từ 25 nhà trở lên sẽ nằm trong danh mục có nguy cơ cháy, nổ cao do cơ quan Cảnh sát PC&CC có trách nhiệm xây dựng phương án chữa cháy… Tuy nhiên, do nhận thức của người dân về PCCC chưa đầy đủ nên nhiều hộ sản xuất không quan tâm, không hợp tác.

Cần sự phối hợp chặt chẽ

Luật Phòng cháy và chữa cháy quy định trách nhiệm của rất nhiều cơ quan, tổ chức trong quản lý PCCC nhưng nhiều đơn vị vẫn “quên”. Thực tế, rất nhiều quán karaoke hoán đổi công năng từ nhà ở, nhưng khi cải tạo, xây dựng không báo với Cảnh sát PC&CC. Thiếu tá Bùi Tuấn Khanh dẫn chứng: Nếu quán karaoke số 68 phố Trần Thái Tông (cháy ngày 1-11 vừa qua) không treo biển kinh doanh karaoke thì Phòng Cảnh sát PC&CC số 3 cũng không biết vì khi sửa chữa, cải tạo, chủ quán cũng như chính quyền địa phương đều không thông báo cho Phòng. Sự bị động này là dấu hiệu cho thấy công tác phối hợp giữa chính quyền các quận, phường sở tại với lực lượng Cảnh sát PC&CC còn nhiều hạn chế.

Trong khi sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn có những kẽ hở thì một số quy định của pháp luật cũng chưa được áp dụng trong cuộc sống. Thực tiễn đã chứng minh, những phút đầu tiên xảy ra cháy nếu xử lý kịp thời, đúng cách thì sẽ hạn chế đáng kể mức độ thiệt hại với điều kiện những người có mặt tại đám cháy phải có kiến thức và kỹ năng. Song, việc này không dễ. Theo quy định, các tổ dân phố có trách nhiệm đề xuất thành lập và trực tiếp duy trì hoạt động của đội dân phòng PCCC; Chủ tịch UBND các phường có trách nhiệm quyết định thành lập, ban hành quy chế hoạt động, bảo đảm kinh phí, trang bị phương tiện và bảo đảm các điều kiện để duy trì hoạt động của đội dân phòng PC&CC. Tuy nhiên, ở hầu hết các địa phương, lực lượng này còn trống vì lý do... không có kinh phí. Thiếu tá Bùi Tuấn Khanh cho biết: Trên địa bàn quận Cầu Giấy mới thành lập được đội PC&CC cơ sở ở các phường, còn các tổ dân phố chưa có lực lượng này nên khi cháy xảy ra cũng khó có người xử lý tức thời. Đánh giá cao lực lượng chữa cháy tại chỗ, Thượng tá Đỗ Anh Quyến cho biết: “10 phút đầu tiên khi đám cháy xảy ra chúng tôi gọi là “10 phút vàng”, vì nó quyết định đến mức độ cháy. Để khống chế cháy ngay từ những phút đầu, người dân phải có kiến thức và lực lượng PC&CC cơ sở phải được tập huấn nghiệp vụ PCCC”.

Gần đây nhất ngày 29-11, khi xảy ra vụ cháy tại bể bơi nhà CT1-B1, Khu đô thị Xa La, phường Phúc La (Hà Đông) cho thấy chính Ban quản lý tòa nhà cũng như những người có trách nhiệm của tổ dân phố đã phát huy được hiệu quả trong “10 phút vàng” này. Ông Nguyễn Quang Toàn, Tổ trưởng tổ dân phố 17 phường Phúc La cho biết: Khi xảy ra cháy, cư dân rất hỗn loạn. Trong tình thế đó, tổ dân phố và Ban quản lý tòa nhà phối hợp, người kiểm tra điện, người kiểm tra thang máy, số còn lại đã dùng họng nước trong tòa nhà để dập lửa. Tòa nhà bên cạnh là CT1-B2 cũng sử dụng vòi nước nên đám cháy đã được dập tắt trước khi Phòng Cảnh sát PC&CC số 9 có mặt.

Đánh giá về ý thức người dân trong công tác PCCC, bà Trần Thị Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông nhấn mạnh: “Ý thức về công tác phòng ngừa với cháy, nổ phải được giáo dục cho mỗi công dân từ khi còn nhỏ, phải tạo được kỹ năng, trách nhiệm cho mỗi người. Điều 3 Nghị định 79/2014/NĐ-CP ngày 31-7-2014 cũng đã chỉ rõ, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Công an xây dựng nội dung, thời lượng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về PCCC để lồng ghép vào chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa trong nhà trường”… Tuy nhiên, trên thực tế công tác này chưa thực sự được coi trọng, học sinh gần như chưa có ý thức về phòng ngừa cháy, nổ cũng như kỹ năng thoát nạn.

Dịp cuối năm, ngoài điều kiện thời tiết khô hanh, ít mưa, nhiều đơn vị doanh nghiệp tập kết hàng hóa chuẩn bị phục vụ Tết, mặt bằng được tận dụng tối đa cũng là điều kiện thuận lợi để “bà hỏa” rình rập. Nếu không có giải pháp đồng bộ, sự quan tâm thỏa đáng về mọi mặt trong công tác PCCC thì thời gian tới “giặc lửa” sẽ còn hoành hành phức tạp. Trách nhiệm này không của riêng ai, nhưng rất cần phân định rõ trách nhiệm của từng cấp, ngành; tránh tình trạng “cha chung không ai khóc” dẫn đến hậu quả khó lường như một số vụ cháy lớn thời gian vừa qua.
 
 
Minh Thúy - Chí Đạo

Bài viết liên quan

Cháy lớn nhà dân trong khu đô thị ở Hải Phòng lúc rạng sáng
Nắng nóng gia tăng, nguy cơ cháy rừng cao trong đợt cao điểm
Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH kịp thời dập tắt đám cháy tại KonTum
Hình ảnh hoang tàn sau đám cháy tại công ty bao bì ở Bình Dương
Thiết kế và thẩm duyệt hạng mục PCCC công trình xã hội Bảo Vinh