Chiến sĩ PCCC kể về những giây phút cứu 3 người mắc kẹt trong đám cháy ở Hà Nội

16:29 - 26/02/2024

3 người dân được cứu trong vụ cháy lúc sáng sớm ở Hà Nội, có thể nói là nhờ vào sự quyết đoán của người chỉ huy chữa cháy và sự dũng cảm của chiến sĩ PCCC&CNCH.

Từ sự quyết đoán của người chỉ huy

Khoảng 2h50 ngày 24/2, cơ quan chức năng tiếp nhận tin báo cháy tại nhà dân, địa chỉ số 357 ngõ Quỳnh, phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Hai Bà Trưng kịp thời cứu 3 người, trong đó có em bé 6 tháng tuổi khỏi đám cháy ở phường Quỳnh Lôi.

Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Hai Bà Trưng kịp thời cứu 3 người, trong đó có em bé 6 tháng tuổi khỏi đám cháy ở phường Quỳnh Lôi.

Công an TP Hà Nội đã điều động 4 xe chữa cháy cùng 30 cán bộ, chiến sĩ Công an quận Hai Bà Trưng và Công an quận Hoàn Kiếm tới hiện trường triển khai chữa cháy. Lực lượng Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu (PCCC&CNCH) đã cứu được 3 người mắc kẹt bên trong và dập tắt đám cháy.

Thiếu tá Nguyễn Văn Lương, Đội Phó Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Hai Bà Trưng, chia sẻ, ngay sau khi nhận tin báo, thiếu tá Lương cùng cán bộ, chiến sĩ di chuyển đến hiện trường bằng 2 xe chữa cháy mang theo trang thiết bị.

"Trên đường đi, tôi yêu cầu tổ thông tin xác định vị trí nguồn nước, bởi nhà dân nằm trong ngõ sâu và có 2 hướng tiếp cận. Qua đánh giá thực tế chúng tôi chọn đường Minh Khai, do có nhiều trụ nước chữa cháy có thể duy trì nguồn nước thường xuyên, lâu dài", Thiếu tá Lương kể.

Thiếu tá Nguyễn Văn Lương, Đội Phó Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Hai Bà Trưng.

Thiếu tá Nguyễn Văn Lương, Đội Phó Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Hai Bà Trưng.

Theo Thiếu tá Lương, từ ngoài đường Minh Khai nơi xe chữa cháy đỗ vào ngôi nhà xảy ra hỏa hoạn khoảng 400m, đây là cự ly triển khai chữa cháy khá xa. Do đó, thiếu tá Lương trực tiếp cùng 2 cán bộ, chiến sĩ vào trinh sát đám cháy trước. Qua nắm tình hình, diễn biến đám cháy phức tạp, có nhiều nạn nhân mắc kẹt bên trong.

Cùng thời điểm đó, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Hoàn Kiếm cũng tới hiện trường, trực tiếp Trung tá Nguyễn Thanh Bình, Đội phó Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Hoàn Kiếm, chỉ huy.

Chỉ huy chữa cháy 2 đơn vị thống nhất chiến thuật chữa cháy, cứu nạn. Thời điểm này, đám cháy diễn ra ở tầng 1 đã bùng lên rất lớn, và có dấu hiệu lan lên tầng 2 đồng thời tác động nhiệt lên tầng 3.

"Có 3 nạn nhân mắc kẹt ở khu vực ban công, trong đó, hai người ở tầng 2 và 1 người ở tầng 3. Chúng tôi triển khai cứu hộ từ phía mặt ngoài ngôi nhà bằng thang và dùng banh cắt thủy lực cắt song sắt", Trung tá Bình nhớ lại.

Thiếu tá Nguyễn Văn Lương lý giải việc lực lượng PCCC cứu người trước bởi khi nạn nhân mắc kẹt ở trên cao mà vừa cứu nạn vừa chữa cháy ở tầng 1 thì khi phun nước vào khói sẽ thoát ra nhiều gây ảnh hưởng đến nạn nhân bên trên. Do đó, lực lượng PCCC thống nhất triển khai cứu người trước và dập lửa sau.

"Sau khoảng 2 phút cắt song sắt tầng 2, tôi trực tiếp cùng một cán bộ Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Hoàn Kiếm đưa 2 nạn nhân ở tầng 2 xuống an toàn", Thiếu tá Lương kể lại.

Trung tá Nguyễn Thanh Bình, Đội phó Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Hoàn Kiếm.

Trung tá Nguyễn Thanh Bình, Đội phó Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Hoàn Kiếm.

Đến sự dũng cảm của người chiến sĩ PCCC

Theo sự chỉ đạo của chỉ huy chữa cháy, Thượng úy Nguyễn Viết Quân, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Hoàn Kiếm, trực tiếp cầm banh cắt thủy lực lên thang cắt phá chuồng cọp tầng 2 ngôi nhà và phối hợp với cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Hai Bà Trưng đưa 2 nạn nhân xuống dưới an toàn.

Tiếp tục quay trở lại hiện trường tầng 2 ngôi nhà trinh sát, Thượng úy Quân phát hiện lửa đã lan từ tầng 1 lên. "Tôi dùng vòi chữa cháy phun cơ bản dập lửa mở đường di chuyển lên tầng 3. Nếu phun lâu nguồn lửa, nhiệt ép lên tầng 3 ảnh hưởng đến nạn nhân còn lại đang mắc kẹt", Thượng úy Quân nhận định.

 Buổi họp giao ban của các cán bộ, chiến sĩ PCCC Công an quận Hoàn Kiếm.
Buổi họp giao ban của các cán bộ, chiến sĩ PCCC Công an quận Hoàn Kiếm.
Cán bộ chiến sĩ PCCC tập luyện.
Cán bộ chiến sĩ PCCC tập luyện.

Theo Thượng úy Quân, thời điểm cứu 2 nạn nhân ở tầng 2, nạn nhân ở tầng 3 kêu cứu rất lớn và có dấu hiệu không thể di chuyển được, hoảng loạn.

"Khi vừa tiến ra khu vực chuồng cọp tầng 3, tôi lập tức trấn an nạn nhân và nhờ sự phối hợp của đồng nghiệp Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Hai Bà Trưng đưa banh cắt thủy lực cắt song sắt chuồng cọp", Thượng úy Quân nhớ lại.

Sau khi tạo được đường thoát, Thượng úy Quân đã ra trước và áp dụng các biện pháp cứu hộ đưa nạn nhân xuống dưới an toàn. Tuy nhiên, do thời gian ở trong đám cháy khá lâu nên nạn nhân này cũng bị bỏng và được đưa vào viện điều trị.

Thượng úy Quân chia sẻ thời điểm phát hiện nạn nhân gặp nạn, bản thân đã rất sốt ruột, mặc dù cầu thang gỗ đã bén lửa nhưng anh đã băng qua để từ tầng 2 lên tầng 3 một cách nhanh nhất.

"Khi thấy nạn nhân, lúc đó tôi chỉ có suy nghĩ làm cách nào để đưa nạn nhân xuống dưới đảm bảo tính mạng. Đến khi đưa họ ra ngoài an toàn thì đối với những người lính PCCC như chúng tôi không có cảm xúc nào diễn tả được", Thượng úy Quân nói.

Trung tá Nguyễn Thanh Bình, Đội phó Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Hoàn Kiếm, cho biết, chiến sĩ PCCC đã rất dũng cảm khi băng qua lửa, khói để tiếp cận và trấn an nạn nhân bình tĩnh, sau đó dùng các biện pháp giúp họ hô hấp.

Theo Trung tá Bình, để có kỹ năng và tinh thần đó, các cán bộ, chiến sĩ PCCC được Công an TP thường xuyên tổ chức các lớp huấn luyện về kỹ năng chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, sử dụng trang thiết bị, đồng thời trong ca trực tập luyện thành thạo vận hành trang thiết bị, thể lực, kỹ thuật...

"Khi chúng tôi là những cán bộ chiến sĩ tiếp cận hiện trường vụ cháy làm sao cứu được người ra đảm bảo an toàn, với tinh thần đó, chúng tôi vượt qua khó khăn, nguy hiểm sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ được giao", Trung tá Bình cho biết.

Vụ cháy điển hình

Theo thiếu tá Nguyễn Văn Lương, Đội Phó Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Hai Bà Trưng, trên thực tế, trong công tác tổ chức chữa cháy, đối với mỗi vụ cháy có diễn biến khác nhau, tuy nhiên vụ cháy trên là một điển hình nhà ở kết hợp kinh doanh, nhà ống có 1 lối thoát hiểm là cửa ra vào và 1 cầu thang bộ.

"Do cự ly từ xe chữa cháy tới ngôi nhà rất xa, đây là một trong những nguyên nhân khó khăn trong quá trình tổ chức chữa cháy và cứu nạn. Bởi chúng tôi xác định thời gian trong chữa cháy vô cùng quan trọng, tiếp cận đám cháy càng ngắn thì sẽ hạn chế được thiệt hại về người và tài sản", Thiếu tá Lương nói.

Thiếu tá Lương nhận định, những vụ cháy xảy ra vào ban đêm đa phần đều có người, cho nên khi đến hiện trường việc người chỉ huy chữa cháy đưa ra quyết định tổ chức thoát nạn cho nạn nhân và chữa cháy phải cực kỳ nhanh chóng và quyết đoán.

"Chỉ cần đưa ra một quyết định sai lầm hậu quả vô cùng lớn...", Thiếu tá Lương chia sẻ.

Vị chỉ huy PCCC nhận định, những nạn nhân trong vụ cháy ngày hôm nay đã được đào tạo, tham gia lớp tập huấn, tuyên truyền về PCCC ở địa bàn dân cư. Bởi với một người bình thường trong môi trường nguy hiểm tâm lý ai cũng muốn di chuyển xuống dưới và tìm những nơi như nhà vệ sinh có nước để ẩn nấp.

"Các nạn nhân họ đã di chuyển ra khu vực thoáng, chủ động sử dụng chăn che để ngọn lửa, khói ít ảnh hưởng đến bản thân và chờ lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến cứu", Thiếu tá Lương cho biết.

Theo: Tiền Phong

Bài viết liên quan

Xưởng làm biển quảng cáo bốc cháy trong đêm, lan sang 2 nhà liền kề
Cháy lớn tại kho hàng trên phố Định Công
Hiện trường xe khách giường nằm cháy rụi trên quốc lộ, hành khách hoảng loạn thoát thân
Hỏa hoạn thiêu rụi nhiều ki - ốt văn phòng phẩm ở Thanh Hóa
Hà Nội: Cháy nhà trong đêm, 2 người mắc kẹt được giải cứu kịp thời