Đồng Nai: Phòng cháy, chữa cháy mùa khô ở huyện miền núi
10:36 - 07/12/2016
Cuối năm, đặc biệt những tháng mùa khô là thời điểm hay xảy ra các vụ hỏa hoạn gây thiệt hại khó lường. Để phòng ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy (PC&CC) số 5 đang tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp an toàn về PCCC.
* Coi trọng công tác kiểm tra an toàn PCCC
Đại tá Nguyễn Đức Tín, Trưởng phòng Cảnh sát PC&CC số 5, cho biết tình hình cháy, nổ trên địa bàn 2 huyện Tân Phú và Định Quán trong năm 2016 đã được kiềm chế, chỉ xảy ra 1 vụ cháy gây thiệt hại khoảng 100 triệu đồng.
Để có được kết quả tích cực đó, từ đầu năm 2016, Phòng Cảnh sát PC&CC số 5 đã xây dựng kế hoạch, tập trung lực lượng và đồng loạt triển khai kiểm tra việc thực hiện các quy định an toàn PCCC tại các cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ cao, như: chợ, trung tâm thương mại, các làng nghề, các cụm công nghiệp, khu dân cư tập trung... Kết quả, đã tiến hành kiểm tra trên 1.290 lượt cơ sở, trong đó có 636 khu dân cư và nhiều cơ sở kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng, chợ, trung tâm thương mại, làng nghề, cơ sở sản xuất, chế biến gỗ…
Qua đợt kiểm tra, Cảnh sát PC&CC đã lập biên bản vi phạm hành chính 35 trường hợp, xử phạt 35 trường hợp, đồng thời hướng dẫn các cơ sở kịp thời khắc phục những thiếu sót, bổ sung các phương án PCCC theo đúng quy định hiện hành, từ đó giúp các đơn vị, cơ sở chủ động hơn trong việc xây dựng, thực tập các phương án PCCC; tự kiểm tra, khắc phục những thiếu sót trong công tác đảm bảo an toàn về PCCC.
* Nhận diện các mối nguy cơ cháy, nổ
Bước vào mùa khô, nhất là dịp cuối năm, hoạt động sản xuất - kinh doanh và sinh hoạt xã hội có tăng hơn ngày thường nên nguy cơ phát sinh các vụ cháy, nổ rất lớn. Qua thực tế kiểm tra, cơ quan chức năng nhận thấy những mối nguy cơ về cháy, nổ còn tiềm ẩn trong sản xuất và sinh hoạt xã hội.
Tại các doanh nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất..., do tập trung sản xuất cuối năm nên nhiều cơ sở tăng cường các loại vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất nên không tuân thủ việc sắp xếp hàng hóa đúng khoảng cách an toàn. Có nơi để hàng hóa tràn ra cả lối đi, lối thoát nạn hoặc gần nơi phát sinh nguồn nhiệt, các đường dây dẫn điện.
Ở các chợ, tình trạng tiểu thương đốt hương, vàng mã trong thờ cúng, hay việc câu điện thắp sáng rất dễ gây ra các vụ hỏa hoạn do chập điện. Tại các khu dân cư, việc tùy tiện dùng lửa trong sinh hoạt, câu móc điện không tuân thủ các quy định an toàn dẫn đến chập điện cũng là những nguyên nhân gây hỏa hoạn.
Ngoài ra, còn có những mối nguy cơ hết sức nguy hiểm khác dẫn đến cháy, nổ, như: hoạt động sang chiết gas lậu, kinh doanh xăng dầu tự phát tại các khu dân cư, hộ gia đình…
Phòng ngừa và hạn chế những vụ cháy và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, thời gian qua Phòng Cảnh sát PCCC số 5 đã thực hiện 87 đợt tuyên truyền; đặc biệt là tuyên truyền trực quan cho hơn 27,5 ngàn lượt người nghe, phát 3.438 cẩm nang khuyến cáo, 54 đĩa CD về thực hiện các giải pháp an toàn PCCC, qua đó chuyển tải những mối nguy cơ, hậu quả của việc cháy, nổ và các biện pháp phòng ngừa cho người dân, các cơ quan, doanh nghiệp nắm.
Cùng với công tác tuyên truyền, Phòng Cảnh sát PC&CC số 5 còn xây dựng 69 phương án chữa cháy, hướng dẫn cơ sở tự xây dựng 231 phương án chữa cháy, tổ chức thực tập 64 phương án chữa cháy; trong đó có 3 phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, 1 phương án cứu nạn, cứu hộ dưới nước và 11 phương án chữa cháy ở khu dân cư.
Theo Đại tá Tín, để đảm bảo sự an toàn và phòng ngừa hiệu quả các vụ cháy, nổ vào dịp cuối năm và mùa khô, các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp và người dân cần tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn PCCC.
Trước hết, lãnh đạo các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, thương mại… phải tăng cường trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo PCCC tại đơn vị mình; phải tự kiểm tra các phương án chữa cháy, bổ sung phương tiện chữa cháy tại chỗ và thường xuyên phân công lực lượng ứng trực trong những ngày nghỉ, kể cả ứng trực ban đêm.
Ở các chợ, ban quản lý phải thường xuyên kiểm tra, phát hiện những mối nguy cơ phát sinh cháy, đặc biệt là hệ thống điện phải đảm bảo an toàn; không được sắp xếp hàng hóa gần nguồn điện, nơi phát sinh nguồn nhiệt và các cửa ra vào, lối thoát nạn; nghiêm cấm việc sử dụng lửa để nấu ăn hoặc các hành vi thắp hương, đốt vàng mã trong chợ.
Với các hộ gia đình, cần thận trọng trong việc dùng lửa trong đun nấu, thờ cúng, kịp thời thay đổi những đường dây dẫn điện đã quá cũ.
Tuân thủ tốt những vấn đề đó sẽ góp phần phòng ngừa và hạn chế được những nguyên nhân xảy ra hỏa hoạn.
Đức Việt
Bài viết liên quan
Xưởng lắp ráp xe ở Lạng Sơn bị thiêu rụiKỷ niệm 63 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH (04/10/1961 - 04/10/2024) và hưởng ứng 23 năm “Ngày toàn dân PCCC”
Giải pháp ngăn lũ cát đỏ tràn xuống đường ở Bình Thuận
Nhiều ha lúa nảy mầm, nông dân thiệt hại hàng tỷ đồng
Đường nối Lâm Đồng - Bình Phước bị sụt lún