Những người lính được “tôi luyện” trong lửa

15:32 - 06/02/2021

Cơn mưa buổi sáng vừa dứt hạt, bầu trời quang đãng hơn nhiều. Ánh nắng cố lách mình ra khỏi đám mây đen, khoe chiếc áo vàng lấp lánh làm cho cảnh sắc trở nên ấm áp. Trời sang thu tháng 10 dịu ngọt, chúng tôi tìm về với những người lính Phòng cháy chữa cháy Công an Hà Tĩnh, những người lính chiến đấu trên mặt trận không tiếng súng nhưng không đồng nghĩa với việc không có sự hy sinh, hiểm nguy và vất vả.

Có mặt tại Phòng Cảnh sát PCCC Công an Hà Tĩnh chúng tôi mới thấu hiểu phần nào những công việc vất vả của các anh. Nhận lệnh lên đường, lao vào những nơi mà người khác đang chạy ra để bảo toàn mạng sống, chiến đấu với "giặc lửa" để giành lại tài sản và tính mạng cho nhân dân, đó là công việc của những người lính Cảnh sát Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ. Họ không quản tính mạng, bất chấp mọi hiểm nguy. Không ít người lính cứu hỏa đã hy sinh và bị thương khi "giành lại cái còn trong cái mất". Những tấm gương quả cảm của họ luôn tỏa sáng trước ngọn lửa và để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân.
 

Đại tá Lê Khắc Thuyết - Giám đốc Công an tỉnh kiểm tra công tác thường trực PCCC và CNCH
 
Những năm qua, tình hình cháy, nổ trên cả nước nói chung và địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nói riêng có nhiều diễn biến phức tạp. Quá trình đô thị hóa tăng nhanh, các cơ sở sản xuất kinh doanh ngày càng nhiều nên nguy cơ cháy, nổ luôn tiềm ẩn, các trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, nhà cao tầng, xăng dầu, khí đốt, khi xảy ra cháy, nổ sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh hoạt của Nhân dân. Trước tình hình đó, tập thể lãnh đạo đơn vị đã kịp thời quán triệt tinh thần chỉ đạo của Lãnh đạo Công an tỉnh, triển khai thực hiện tốt những nhiệm vụ, trọng tâm là làm tốt công tác phòng ngừa không để xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố nghiêm trọng; đồng thời, sẵn sàng tổ chức chữa cháy kịp thời và có hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại bảo vệ an toàn tài sản của nhà nước, tính mạng và tài sản của Nhân dân. Phát huy vai trò tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác PCCC và CNCH đồng thời hướng dẫn các cơ sở tổ chức thực hiện tốt các quy định về PCCC trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
 

Những người lính băng mình giữ biển lửa để cứu đất, cứu rừng 
 
Còn nhớ những ngày cả nước hướng về khúc ruột miền Trung, hướng về bão lửa Hà Tĩnh trong ngọn lửa hung tàn của vụ cháy rừng. Hàng triệu trái tim dõi theo những chiến sĩ quả cảm ngày đêm chiến đấu với giặc lửa, cứu từng vạt cây, ngọn cỏ, bảo vệ rừng xanh. Nhiều người chứng kiến hình ảnh núi rừng Hồng Lĩnh chìm trong biển lửa, sáng rực cả bầu trời khiến họ ngỡ ngàng và khiếp sợ. Người dân xót xa khi rừng thông gần 50 tuổi bị thiêu rụi. Các CBCS Phòng cháy chữa cháy chỉ ăn tạm ổ mì, uống vội ngụm nước suối, vai vác ống, người cầm rựa, người vác xẻng, lại tiếp tục băng mình giữa đám cháy trong đêm… Chúng tôi chỉ kịp nhận ra những khuôn mặt đen nhẻm, loang lổ vì bụi khói và ướt đẫm nước của đồng đội mình, các chiến sĩ Phòng cháy chữa cháy khi ánh lửa từ những đám cành khô quắt bùng đỏ rực trời…
Nói về nhiệm vụ của những người lính cứu hỏa, CBCS phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh bộc bạch: “Không phải chúng tôi sợ hiểm nguy, sợ không đủ bản lĩnh để đương đầu với khó khăn, sợ gian khổ mà chúng tôi sợ mình đến không kịp lúc, sợ rằng nơi nào đó người dân đang gặp nguy hiểm, sợ khi xuất xe trên đường đi làm nhiệm vụ bị gặp phải trở ngại”…

 

Phòng Cảnh sát PCCC Công an Hà Tĩnh chữa cháy karaoke Kingdom 

 
Ngoài niềm vui khi dập tắt nhanh đám cháy, cứu được tính mạng và tài sản của nhân dân thì người lính chữa cháy còn nhiều tâm tư. Nhiều đồng chí đã tâm sự rằng: Có những vụ cháy khi chúng tôi đến hiện trường thì lửa đã lan rộng, thiệt hại về người và tài sản là điều khó tránh. Nhưng một số người dân không hiểu lại tỏ ý trách móc. Và sau mỗi vụ cháy, mọi người chỉ lo thống kê các con số thiệt hại, chứ ít khi quan tâm đến những người “đứng mũi chịu sào” khống chế ngọn lửa để giành lại của cải và tính mạng cho họ. Có lẽ, cũng vì một số người dân trong đó có tôi chưa hiểu hết được công việc của các anh. Và khi đã hiểu rồi thì sự đồng cảm sẽ được nhân đôi. Còn đối với mỗi người lính Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh thì chỉ khi trải qua tất cả mọi khó khăn của nghề cứu hỏa mới thấy sự sống và cái chết thật mong manh.
 

Phút nghỉ ngơi ngắn ngủi của những người lính cứu hỏa trong vụ cháy rừng ở Hương Sơn 
 
Bất kể ngày hay đêm, dù trời mưa hay nắng nhìn những đồng đội của mình thầm lặng, kiên nhẫn làm những công việc không phải ai cũng làm được, tôi cảm phục vô cùng. Ai cũng biết nghề PCCC và CNCH là một nghề nguy hiểm và nặng nhọc, điều quan trọng phải có lòng dũng cảm và yêu nghề, bởi kiến thức có thể học, sức khỏe có thể rèn luyện, song nếu không có lòng dũng cảm sẽ không bao giờ dám đương đầu với nguy hiểm.
Thật sự, có viết về các anh, bao nhiêu từ ngữ, bao nhiêu câu văn cũng chẳng thể diễn tả hết những khó khăn, gian nan, vất vả, hiểm nguy mà các anh đang phải trải qua và đối mặt. Nhưng trong tận đáy lòng, có rất nhiều những người yêu quý, mến mộ và biết ơn các anh, gọi các anh bằng một cái tên thân thương - người Lính cứu hoả.
 

 
Nhân kỷ niệm 59 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát PCCC - Ngày toàn dân PCCC (4/10/1961 - 4/10/2020), chúng tôi xin được chúc cho các anh - những người lính PCCC và CNCH, Công an tỉnh Hà Tĩnh sẽ có thêm tinh thần, nghị lực để vượt qua khó khăn, quyết tâm phòng chống “giặc lửa”. Chúc các anh mãi luôn "thất nghiệp" như đúng lời Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã gửi gắm lại. Mong các anh sẽ luôn chiến thắng mọi trận chiến và bình an trở về với hậu phương vững chắc của mình!
 
Nguồn: congan.hatinh.gov.vn

Bài viết liên quan

Tìm thấy thi thể đầu tiên vụ sập cầu Phong Châu
Xót xa: Tìm thấy thêm nhiều thi thể tại Làng Nủ, nâng tổng số người chết lên 51 người
Mưa lớn cuốn trôi ô tô bán tải đang chạy trên đường, nữ tài xế tử vong
Phút sơ tán căng thẳng giúp 142 thầy trò ở Lào Cai thoát nạn vụ sập nhà bán trú
Sạt lở đất khiến bé trai 12 tuổi tử vong, 100 người cùng bản di dời khẩn cấp