Những người trực đêm giao thừa

00:13 - 12/02/2021

Đêm giao thừa, thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, ai ai cũng mong muốn được sum họp cùng gia đình, người thân. Thế nhưng, vẫn có những người vì công việc, nhiệm vụ vẫn thầm lặng ứng trực, với mong muốn mang một mùa xuân an lành, yên vui nhất đến với mọi người, mọi nhà. 


Đêm 30 Tết, trong khi dòng người đổ ra đường trở về sum họp cùng gia đình hoặc nô nức đi chơi Tết thì lực lượng công an nói chung, trong đó có lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC & CNCH) (Công an tỉnh) phải tập trung cao độ cho công việc nhằm bảo đảm an toàn cháy, nổ trong dịp Tết.


Theo Phòng Cảnh sát PCCC &CNCH, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán là lúc người dân vui chơi, mua sắm, nhiều người thắp hương, đốt vàng mã; các doanh nghiệp nghỉ tết nên rất dễ mất cảnh giác, nguy cơ cháy, nổ tăng cao. Vì vậy, lực lượng cảnh sát PCCC toàn tỉnh luôn trong tư thế sẵn sàng trực chiến và lên đường nhận nhiệm vụ khi có tin báo cháy. 


Vì yêu cầu nhiệm vụ, nhiều cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng cảnh sát PCCC nhiều năm phải trực tại đơn vị, không đón giao thừa cùng gia đình. Đại úy Nguyễn Tiến Đạt, Đội trưởng Đội hậu cần, quản lý phương tiện PCCC và CHCN, người có 19 năm gắn bó với công việc PCCC và cũng chừng ấy năm đón giao thừa tại đơn vị cho biết: “Với những ngày cao điểm Tết, tất cả lực lượng, phương tiện PCCC đều được chúng tôi kiểm tra, chuẩn bị bảo đảm hoạt động tốt. Trong thời khắc giao thừa, khi mọi người quây quần bên người thân, bên mâm cơm gia đình thì những người lính cứu hỏa chúng tôi lại túc trực bên xe cứu hỏa, để bất cứ khi nào nhận được tin báo hỏa hoạn là lên đường làm nhiệm vụ”.


Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên, các y, bác sĩ đang tất bật với công việc chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân. Ngay từ đầu tháng 1, Ban giám đốc Bệnh viện đã có kế hoạch cho các khoa, phòng phải bảo đảm nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc... để tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời.


Đối với bệnh nhân, việc phải đón giao thừa ở bệnh viện là điều bất đắc dĩ nhưng đối với các bác sĩ, điều dưỡng, việc đón giao thừa ở bệnh viện gần như đã trở thành thông lệ.


Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Điện, Trưởng Khoa Cấp cứu,Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên cho biết: “Trong những ngày tết, Khoa luôn duy trì mỗi kíp trực gồm 2 bác sĩ, 3 điều dưỡng. Những người không trong kíp trực cũng luôn phải giữ tâm thế chủ động, luôn trực điện thoại để đề phòng các trường hợp khẩn cấp, cần huy động nhân lực”.


Phố xá lên đèn, những con đường lung linh ánh sáng, rực rỡ sắc màu để chờ đón khoảnh khắc giao thừa. Người người, nhà nhà náo nức ra phố, đổ về Quảng trường Nguyễn Văn Linh- nơi diễn ra màn pháo hoa chào năm mới. Đó cũng chính là lúc những công nhân vệ sinh môi trường của Công ty TNHH Một thành viên Môi trường và công trình đô thị Hưng Yên cần mẫn với công việc của mình.


Hơn 20 năm gắn bó với công việc lao công, chị Phạm Thị Thiết, công nhân đội vệ sinh môi trường luôn lỗi hẹn những giây phút sum vầy đầm ấm bên gia đình trong những ngày Tết hay đêm giao thừa. Chồng và con chị Thiết cũng quen dần cảnh không có mẹ, phải tự xoay sở mọi việc trong gia đình khi mẹ vắng nhà ngày 30 Tết. Nhanh tay dọn dẹp lá cây, rác thải trên đường phố, chị Thiết chia sẻ: “Ngày 30 Tết, tôi và đồng nghiệp bắt đầu ca làm việc từ 14 giờ và thường kết thúc vào 4 giờ sáng hôm sau. Người dân tập trung xem bắn pháo hoa ở Quảng trường đông vui là thế, nhưng hết pháo hoa, chúng tôi phải nỗ lực dọn sạch rác đường phố trước khi trời sáng”.


Trong ngày cuối cùng của năm và đêm giao thừa, hàng trăm công nhân của công ty đều có mặt trên từng con đường, góc phố. Ngày thường, toàn thành phố mỗi ngày đêm có khoảng 70 - 75 tấn rác, nhưng đêm giao thừa, lượng rác lên đến 100 - 120 tấn. Ngoài các tuyến phố thì điểm bắn pháo hoa và địa điểm tổ chức chợ hoa xuân, bày bán hoa Tết… cũng là những vị trí trọng điểm phải dọn dẹp trong ngày 30 Tết. 


Vất vả là thế, nhưng các anh, chị công nhân vệ sinh môi trường luôn cần mẫn bởi công việc họ đang làm đã góp phần để thành phố thêm đẹp, mùa xuân thêm thắm.


Không rộn ràng du xuân, không quây quần đầm ấm với gia đình trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, những công nhân của Công ty Điện lực Hưng Yên luôn đón Tết muộn để bảo đảm hệ thống điện lưới thông suốt trong đêm giao thừa và những ngày Tết. 


Tâm sự với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Tuệ, Trưởng Trung tâm điều khiển xa, Công ty Điện lực Hưng Yên chia sẻ: “Những ngày Tết nhu cầu sử dụng điện của nhân dân tăng cao, vì vậy cán bộ, công nhân viên của trung tâm luôn phải phân công nhau trực 24/24 giờ để bảo đảm lưới điện thông suốt, đặc biệt tránh tình trạng mất điện trong đêm giao thừa".


Một năm mới đã bắt đầu, không khí Xuân cũng đã len lỏi, tràn ngập khắp mọi nẻo đường. Nhưng còn đó, rất nhiều người đang tận tụy với công việc. Họ đã và đang hy sinh thầm lặng những tình cảm riêng tư để góp phần đem mùa xuân vui tươi, an toàn, ấm áp, hạnh phúc đến với mọi người, mọi nhà...

Nguồn: baohungyen.vn

Bài viết liên quan

Xưởng làm biển quảng cáo bốc cháy trong đêm, lan sang 2 nhà liền kề
Cháy lớn tại kho hàng trên phố Định Công
Hiện trường xe khách giường nằm cháy rụi trên quốc lộ, hành khách hoảng loạn thoát thân
Hỏa hoạn thiêu rụi nhiều ki - ốt văn phòng phẩm ở Thanh Hóa
Hà Nội: Cháy nhà trong đêm, 2 người mắc kẹt được giải cứu kịp thời