Chuyện những anh hùng thầm lặng đã đặt cược tính mạng của chính mình để cứu người

10:21 - 26/11/2016

Người hùng thầm lặng không giàu, không nổi tiếng, mỗi khi làm việc tốt, họ cũng không màng được trả ơn. Họ có thể xuất hiện đâu đó trên một vài bài báo nhưng khi mọi thứ qua đi, tất cả lại trở về với cuộc sống bình dị, lặng thầm cống hiến điều tốt đẹp cho xã hội.

Trong mắt bạn, anh hùng là người như thế nào? Liệu hình tượng ấy có giống như những chàng X-men trong phim hành động Mỹ, vừa lực lưỡng lại có sức mạnh siêu nhiên, chuyên làm nhiệm vụ giải cứu thế giới?

Ở đời thường, thật khó để tìm thấy hình mẫu như thế. Nhưng bạn hãy tin rằng, người tốt trong xã hội này thực sự có rất nhiều. Chẳng có sức mạnh thần tiên, chẳng có thân hình lực lưỡng, họ chỉ có một thứ duy nhất làm nội lực, đó là lòng thương người và tình yêu đặt vào giữa cuộc sống mà chính họ cũng nhận ra nó đem đến thật nhiều mạo hiểm, thậm chí phải đánh cược cả tính mạng của mình.

Người hùng thầm lặng không giàu, không nổi tiếng và đôi khi cũng không "soái ca" như người ta mong đợi. Mỗi khi làm việc tốt, chính họ cũng chẳng cần được trả ơn. Họ có thể xuất hiện đâu đó trên một vài bài báo nhưng khi mọi thứ qua đi, tất cả lại trở về với cuộc sống lặng lẽ. Ở nơi đó, dù chẳng còn được nhiều người nhớ mặt, gọi tên, họ vẫn tiếp tục âm thầm cống hiến, đóng góp cho xã hội bao điều tốt đẹp.

Khi mọi người chạy ra khỏi đám cháy, những anh hùng lại xông vào

Mỗi năm thường có không ít vụ hỏa hoạn lớn, nhỏ xảy ra. Chứng kiến cảnh khói lửa bốc lên ngùn ngụt, ai đó có thể chỉ lo tìm cách thoát thân, chạy càng xa càng tốt nhưng có những người, họ lại chuyên làm điều ngược lại. Không ai khác, ấy chính là các chàng lính cứu hỏa với tuổi đời có khi chỉ vừa 18-20.

 

Nếu sống ở Hà Nội, bạn hẳn vẫn chưa quên vụ cháy lán trại, cây xăng Sang Mạn ở Hoàng Mai, quán karaoke tại Nguyễn Khang (Cầu Giấy) hay gần đây nhất là vụ hỏa hoạn kinh hoàng xảy ra tại đường Trần Thái Tông. Trong bất cứ vụ việc nào, đám cháy dù lớn hay nhỏ, bạn đều thấy những anh lính mặc áo đen xuất hiện.

Họ ở đó, từ khi đám cháy nổ ra đến khi lửa tắt rụi hoàn toàn. Chữa lửa nhìn vậy nhưng đó thực sự là một công việc vô cùng nguy nan. Nhớ lại cảm giác khi bị thương trong lần tham gia chữa cháy tại vụ lán trại (Hoàng Mai), anh Bùi Tuấn Mạnh (Phòng cảnh sát PCCC số 8) vẫn chưa hết xúc động. "Lúc đó mình bị đinh sắt đâm xuyên qua giày, bị thương. Vì việc dập lửa quá gấp gáp nên cũng chẳng kịp để ý đến bản thân, chỉ mong sao chữa cháy càng nhanh, càng tốt".

Nỗi sợ hãi lớn nhất của họ không phải là cái chết mà chính là việc nhìn thấy nạn nhân mắc kẹt. Tuấn Mạnh từng chia sẻ, cậu đã vô cùng đau đớn khi chứng kiến cảnh 5 mẹ con đều thiệt mạng trong vụ cháy ở đường Hoàng Mai năm 2015. 

Tất cả những người lính cứu hỏa đang làm nhiệm vụ dập lửa ấy, họ chiến đấu không vì mong chờ sẽ có ngày được vinh danh hay đền ơn. Rất đơn giản, lửa đã bùng lên, họ nhất định phải dập cho tắt. Nhiệm vụ khi đã kề trên vai, chẳng thể nào thoái thác, bởi dập lửa cứu người, bấy lâu chính là mục đích sống của các chàng trai trẻ.

Bài viết liên quan

Xưởng lắp ráp xe ở Lạng Sơn bị thiêu rụi
Kỷ niệm 63 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH (04/10/1961 - 04/10/2024) và hưởng ứng 23 năm “Ngày toàn dân PCCC”
Giải pháp ngăn lũ cát đỏ tràn xuống đường ở Bình Thuận
Nhiều ha lúa nảy mầm, nông dân thiệt hại hàng tỷ đồng
Đường nối Lâm Đồng - Bình Phước bị sụt lún