Chiến thuật và chỉ huy chữa cháy trong tình huống nhiều khói

09:25 - 29/09/2017

Ngày 14/9/2017, Phòng Cảnh sát PC&CC Quận 1 đã tiến hành chữa cháy tại Chung cư số 26 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, Quận 1. Sau khi trinh sát đám cháy, trong điều kiện nhiều khói khí độc, đơn vị đã cứu được 04 người bị nạn còn mắc kẹt trong đám cháy ra ngoài an toàn. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, đơn vị đã triển khai lực lượng, phương tiện đã khống chế và dập tắt hoàn toàn đám cháy, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại về người và tài sản…

 Cứu người bị nạn bị mắc kẹt trong đám cháy

 

Qua vụ cháy trên, Phòng Cảnh sát PC&CC Quận 1 xin đưa ra chiến thuật chữa cháy trong điều kiện nhiều khói, khí độc như sau:

* Diễn biến đám cháy trong điều kiện có nhiều khói:

Đám cháy có nhiều khói thường xảy ra ở những nhà kín, nhà nhiều tầng, cao tầng, nhà hầm hay hầm tàu, ngoài ra cháy một số hóa chất như xăng dầu, cao su, cháy các chất hữu cơ như: sợi, len, dạ, xenlulo, chất dẻo... tỏa nhiều khói đen và tương đối đậm đặc, gây khó khăn cho việc trinh sát, nhận định chính xác tình hình diễn biến đám cháy, hướng tấn công, cứu người, cứu tài sản.

Công tác chiến đấu bị cản trở vì khói, khó xác định gốc lửa và vùng cháy.

Các chiến sỹ cầm lăng phải đeo mặt nạ phòng độc, nên việc di chuyển các tuyến đường vòi, đội hình chiến đấu thay đổi ý đồ chiến thuật kém linh hoạt, khả năng thực hiện nhiệm vụ chiến đấu khó khăn, sự phối hợp giữa các tiểu đội chiến đấu, chiến sỹ cầm lăng thiếu nhịp nhàng dẫn đến hiệu quả chiến đấu không cao.

Quá trình cháy xảy ra hiện tượng đối lưu, khói và sản phẩm cháy sẽ mang theo nguồn nhiệt gây cháy lan lên phía tầng trên của ngôi nhà, công trình nhiều tầng, cao tầng.

Nhiệt sẽ tác động đến khả năng chịu lực của cấu kiện xây dựng và có thể dẫn đến sự sụp đổ cấu kiện, phá hủy các bộ phận kiến trúc của công trình.

Bên cạnh đó, khói có tác hại phá hủy các vật dụng quý giá như làm biến màu, biến dạng, làm nham nhở chúng...

Trong thực tế đám cháy nào càng nhiều khói thì tốc độ phát triển của đám cháy càng nhanh và sự phá hủy về tài sản, thiệt hại về người càng nhiều hơn so với các đám cháy ít khói

Nếu ở các đám cháy xảy ra có người bị nạn thì càng gây thêm những khó khăn, trở ngại cho lực lượng tham gia cứu người, cứu tài sản, hình ảnh khói lửa mịt mù, nóng và ngạt thở của đám cháy khiến nạn nhân chỉ còn tìm cách thoát làm sao nhanh nhất ra khỏi đám cháy, bất chấp hậu quả là gì, vì thế nạn nhân có những hành động vội vàng, thiếu chính xác.

Những đám cháy có nhiều khói, khí độc và với thực trạng phương tiện chiến đầu như các loại thiết bị phòng chống khói khí độc của chúng ta hiện nay còn thiếu là một vấn đề nan giải.

* Chỉ huy chữa cháy trong tình huống nhiều khói:

Chỉ huy chữa cháy khi tổ chức dập tắt các đám cháy nhiều khói cần phải:

Tổ chức trinh sát tất cả những nơi nhiều khói, nếu thấy người bị nạn thì phải lập tức tìm cách cứu họ ra ngoài.

Quan sát xem khói tỏa ra bằng lối nào, chú ý lửa cũng theo lối đó phát triển ( như lỗ thông hơi, lỗ trống, khe cửa...) dùng biện pháp thoát khói trước hết ở buồng cầu thang, hành lang và lối ra vào.

Điều tra xem có những tài sản gì có thể bị khói làm hư hỏng. Nếu có thì gấp rút làm thoát khói và di chuyển những tài sản đó ra ngoài.

Cần trang bị mặt nạ phòng độc, mặt trùm, các dụng cụ chống khói như: khẩu trang thấm nước cho cán bộ, chiến sỹ làm việc ở nơi có nhiều khói.

Phải thận trọng khi cho mở cửa các nhà cháy có nhiều khói và có nhiệt độ cao, phải bố trí sẵn sàng lăng phun  nước ở cạnh cửa khi mở.

Trong các buồng có nhiều khói không trông rõ ngọn lửa chỉ được mở cửa để thoát khói khi đã chuẩn bị có lăng phun nước sẵn sàng phun.

* Các phương pháp và biện pháp chữa cháy:

Tùy theo tính chất của chất cháy chủ yếu, mà sử dụng các phương pháp và chất chữa cháy cho phù hợp trong từng đám cháy.

Có thể áp dụng phương pháp làm lạnh bằng việc sử dụng nước để chữa cháy và làm mát cho cấu kiện.

Nhóm phương pháp cách ly sử dụng bọt để chữa cháy theo diện tích bề mặt hoặc lấp đầy chữa cháy theo thể tích của đám cháy, tổ chức cho cán bộ, công nhân viên cơ sở vận chuyển các thành phẩm, sản phẩm, hàng hóa, vật tư chưa bị cháy đến nơi an toàn.

Nhóm phương pháp kìm hãm, ức chế phản ứng hóa học bằng bột hoặc các chất chữa cháy thuộc nhóm halogen.

Song song với việc tiến hành trinh sát thì chỉ huy chữa cháy phải ra lệnh triển khai các đội hình chiến đấu, xe chữa cháy đỗ gần nguồn nước triển khai vòi hút, thiết kế tuyến đường vòi chính, sẵn sàng các lăng chiến đấu theo ý đồ chiến thuật của chỉ huy.

Chiến sỹ cầm lăng phải đeo mặt nạ phòng chống khói khí độc, triển khai lăng B, lăng hương sen, tiếp cận, bao vây, khống chế, ngăn chặn cháy lan và tập trung lực lượng, phương tiện vào hướng tấn công chủ yếu.

Trường hợp CBCS làm việc ở nơi nhiều khói mà không có mặt nạ và các trang thiết bị chống khói khác, cần phải di chuyển dọc tường nhà hoặc gần cửa sổ, nếu khói từ dưới bay lên thì đi thẳng người, nếu khói từ trên trần tỏa xuống thì phải cúi người hoặc bò. Đi từ phòng này sang phòng khác không được đóng cửa ra vào.

Trong chiến đấu dập tắt đám cháy, chỉ huy phải luôn có ý thức bảo vệ các lực lượng khác: bảo vệ trinh sát, mở đường cho lực lượng cứu người, bố trí mũi tấn công có trách nhiệm phun nước làm mát bảo vệ những phòng, hạng mục công trình quan trọng, không để đám cháy lan sang khu vực xung quanh.

Trường hợp sử dụng các biện pháp thoát khói thông thường không đảm bảo, thì tốt nhất sử dụng máy hút khói. Khi đã có những biện pháp thoát khói thì kết hợp dùng lăng hương sen phun nước để tạo điều kiện cho chiến sỹ chữa cháy dễ dàng quan sát đám cháy.

Nếu là đám cháy xảy ra trong ngôi nhà, công trình có quy mô, diện tích không lớn và khói không đậm đặc thì trước tiên phải phun chất chữa cháy dập tắt đám cháy, sau đó kết hợp thoát khói.

* Các biện pháp kĩ thuật an toàn:

Trong quá trình chiến đấu đều phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng và phương tiện, nhất là lực lượng ở mũi cuối hướng gió, cần phải đầy đủ mặt nạ phòng độc.

Khi mở cửa vào nhà đang có cháy nhiều khói và nhiệt độ cao phải hết sức thận trọng, cần bố trí lăng B phun nước cạnh cửa để bảo vệ, ở các phòng, buồng có nhiều khói mà chiến sỹ cầm lăng không thấy ngọn lửa thì chỉ được mở cửa thoát khói khi đã chuẩn bị lăng B, lăng hương sen sẵn sàng phun nước.

Mở cửa thoát khói chiến sỹ phải đứng nép về một bên, lợi dụng cánh cửa làm vật che cho người.

Nếu chiến đấu trên các tầng gác có nhiều khói, phải di chuyển thận trọng, có thể bò để tránh sự sụp đổ của cấu kiện xây dựng.

Chú ý tới thời gian làm việc và sức khỏe của chiến sỹ.

Những quyết định của chỉ huy chữa cháy phải khẩn trương, chính xác, biết tận dụng phương tiện, máy móc hỗ trợ, tạo điều kiện đảm bảo sức khỏe cho CBCS tham gia chữa cháy.   

Nguồn: sưu tầm

Bài viết liên quan

Sơ cứu khi bị bỏng lửa, bỏng nước sôi
7 mẹo chăm sóc vết thương hở hiệu quả tại nhà
Cách chữa bỏng của lính cứu hỏa không để lại sẹo
Mối nguy hiểm và cách xử lý đám cháy dầu, mỡ khi nấu ăn
Chủ động phòng ngừa, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra