Kỹ năng thoát hiểm khi hỏa hoạn xảy ra ở nhà riêng

12:24 - 01/08/2018

Khi hỏa hoạn xảy ra ở nhà riêng, chúng ta thường có rất ít thời gian để phản ứng, chính vì vậy nắm được các kỹ năng thoát hiểm là yếu tố quyết định đến sự sinh tồn của bạn và gia đình. 

 

Hỏa hoạn xảy ra ở nhà riêng nếu vào thời điểm ban ngày, gia chủ phát hiện sớm đám cháy, nhà thông thoáng… việc thoát hiểm thường không khó khăn.

Tuy nhiên, ở khu vực đông dân cư thuộc các thành phố lớn nhà thường được xây theo hình ống, không có cửa hậu, cửa thoát hiểm, các hướng có thể thoát hiểm thường được gia cố để trống trộm…

Vì vậy, khi hỏa hoạn xảy ra vào ban đêm, chủ nhà không phát hiện sớm đám cháy việc thoát hiểm rất khó khăn và thường để lại hậu quả rất thảm khốc.

Theo đó, mỗi gia đình, đặc biệt là những gia đình sống ở những ngôi nhà ống khép kín, có nguy cơ cháy cao cần phải nêu cao ý thức cảnh giác đối với hỏa hoạn đồng thời phải dự kiến trước tình huống hỏa hoạn xảy ra để kịp thời ứng phó, thoát hiểm, dự kiến lối thoát hiểm khi cần thiết.

Chủ nhân của những ngôi nhà này cần phải mua sắm các thiết bị chữa cháy tại chỗ như bình chữa cháy các loại để có thể dập tắt đám cháy mới phát sinh. Cần phải tạo thói quen để chìa khóa cửa chính ngăn nắp theo qui ước để có thể nhanh chóng mở cửa chính thoát ra ngoài.

Thông thường, chủ nhân thường khóa cửa nhà bằng nhiều ổ khóa, các loại khóa để chống đột nhập nên khi xảy ra hỏa hoạn việc mở cửa không phải dễ dàng nên việc để chùm chìa khóa đúng nơi, đúng chỗ rất quan trọng.

 

Khi phát hiện đám cháy trong nhà, người phát hiện đầu tiên phải hô to để mọi người trong nhà biết, nhanh chóng phán đoán đám cháy để sử dụng phương tiện chữa cháy, nước có sẵn trong nhà để dập lửa.

Không nên gọi điện cho 114 báo cháy vì sẽ ứng cứu không kịp và làm chậm tiến độ thoát thân của bạn và người thân. Việc này tất yếu sẽ có hàng xóm, người đi đường làm giúp bạn. Trong tình huống này bạn có thoát hiểm hay không đều do cách xử lý tình huống của bạn và người thân, không thể trông chờ vào sự giúp đỡ từ bên ngoài.

Nếu nhận thấy khó có khả năng dập được lửa, không nên cố gắng tìm đủ mọi cách để dập lửa mà phải tính đến cách thoát thân. Nhanh chóng lấy chìa khóa mở cửa chính, yêu cầu mọi người nhanh chóng di chuyển ra bên ngoài qua cửa chính.

Trường hợp cửa chính đã bị khóa bên ngoài do kẻ thủ ác thực hiện, không nên cố phá cửa mà phải quay vào bên trong để tìm đường thoát khác hoặc cố gắng dập lửa.

Nếu đám cháy bùng phát lớn, không thể thoát ra ngoài bằng cửa trước, cần nhanh chóng lấy chăn nhúng nước khoác lên người, dùng khăn hoặc áo nhúng nước che mũi, miệng di chuyển đến nơi ít khói, tránh xa nguồn cháy càng xa càng tốt.

Cần phải nhanh chóng tìm lối thoát hiểm phía sau, nếu tường phía sau nhà có khoảng cách với tường nhà phía sau dù ít hay nhiều cần phải sử dụng dụng cụ nặng đập vỡ tường để thoát ra bên ngoài.

Trường hợp tường xây liền kế với tường nhà phía sau, kiên cố không thể phá vỡ, cần phải nhanh chóng phá trần nhà, cạy tôn hoặc ngói để thoát lên trên. Trong tình huống này, khói bốc lên rất nhiều có thể gây ngạt nên cần phải thực hiện nhanh chóng.

Sau khi phá được trần nhà, mái nhà có thể dùng chăn cuốn một vòng quanh nách để kéo từng người lên trên thoát ra ngoài. Những người chưa được đưa ra cần nằm sát xuống sàn nhà để tránh bị ngạt khói.

Bài viết liên quan

Sơ cứu khi bị bỏng lửa, bỏng nước sôi
7 mẹo chăm sóc vết thương hở hiệu quả tại nhà
Cách chữa bỏng của lính cứu hỏa không để lại sẹo
Mối nguy hiểm và cách xử lý đám cháy dầu, mỡ khi nấu ăn
Chủ động phòng ngừa, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra